Dù vẫn đang giao dịch trên sàn OTC, nhưng một số cổ phiếu ngân hàng đã được nhà đầu tư săn đón với giá cao nhờ sự kỳ vọng vào kế hoạch niêm yết trong thời gian tới.
Bước sang năm 2017, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh mẽ so với năm trước, không riêng gì cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn HOSE, HNX và UpCoM mà ngay cả sàn OTC cũng không ngoại lệ.
Tăng mạnh nhờ nhiều yếu tố
Từ đầu năm đến nay, dòng tiền chảy vào các cổ phiếu ngân hàng, gồm cả cổ phiếu chưa niêm yết lẫn cổ phiếu niêm yết rất lớn. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây và cao hơn tốc độ tăng của huy động vốn. Cụ thể, kết thúc quý 1/2017, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt tới 4,03%, cao gấp 1,3 lần so với cùng kỳ 2016 là 3,04% đã cho thấy phần nào bức tranh sáng của ngành ngân hàng trong năm nay
Điều đáng nói, một số cổ phiếu OTC được giao dịch với giá còn cao hơn cả những cổ phiếu ngân hàng lớn được niêm yết. Theo thống kê, trong số các ngân hàng đang giao dịch trên OTC, cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có giá cao nhất với 33.700 đồng/cổ phiếu. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) với giá 32.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu những ngân hàng lớn đã niêm yết như CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam giao dịch tại ngày 4/7 với mức giá 20.350 đồng/cổ phần, BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam có giá 20.300 đồng/cổ phần.
Lý giải về điều này, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng, cho biết nhờ sóng ngân hàng trên sàn giao dịch chứng khoán từ đầu năm đến nay cũng như Quốc hội đã thông qua Nghị quyết nợ xấu đã hỗ trợ cho giá cổ phiếu của toàn bộ các ngân hàng. Đồng thời các nhà đầu tư đang rất kỳ vọng vào kế hoạch lên sàn giao dịch vào năm nay của các ngân hàng TMCP. Điều này đã giúp giá cổ phiếu OTC của các ngân hàng đang giao dịch sôi động hơn.
Mặt khác, nếu xét kỹ, VPBank được quan tâm đặc biệt là nhờ ưu thế về lợi nhuận và quy mô. Tính riêng quý 1/2017, ngân hàng này đạt lợi nhuận 1.500 tỷ đồng, cổ đông được nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ khá cao 31,84% và Techcombank cũng không ngoại lệ.
Ngân hàng nào sẽ lên sàn tiếp theo?
Hầu hết các ngân hàng như Techcombank, Ngân hàng TMCP Phương Đông Việt Nam (OCB), Kienlongbank, VPBank, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)… đã có kế hoạch lên sàn. Tuy nhiên, tính đến nay mới chỉ có 2 ngân hàng hoàn thành kế hoạch của mình là VIB chào sàn UpCoM vào đầu năm 2017 và Kienlongbank mới gia nhập sàn này vào ngày 29/6 vừa qua.
Dù với lời mời gọi tha thiết từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đa phần các ngân hàng đều đang có những lý do riêng cho sự “lỡ hẹn” lên sàn này. Chẳng hạn, HDBank đã trình cổ đông kế hoạch niêm yết trong nhiều năm, nhưng do phải thực hiện kế hoạch sáp nhập với Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) cùng với việc mua lại Công ty Tài chính SGVF trước đó, đi cùng với việc thực hiện tái cơ cấu ngân hàng hậu sáp nhập và kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Một phần vì diễn biến thị trường chưa thuận lợi, chưa phù hợp để niêm yết theo như ban lãnh đạo trình bày tại các kỳ đại hội. Còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), dự tính năm 2019 ngân hàng mới niêm yết sau khi đã hoàn tất quá trình tái cơ cấu .
Theo ý kiến mới đây từ phía NHNN, việc niêm yết cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán không phải là điều bắt buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, về mặt chủ trương, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng sớm thực hiện niêm yết.
Các chuyên gia tài chính cũng nhấn mạnh việc niêm yết cổ phiếu ngành ngân hàng trên sàn chứng khoán vô cùng quan trọng, nó không chỉ giúp tăng tính minh bạch tài chính các ngân hàng, mà còn giúp các nhà đầu tư đổ tiền vào ngân hàng biết được khoản đầu tư của mình hiện ra sao.
Hơn nữa, việc niêm yết còn giúp NHNN dễ dàng nắm bắt được tình hình kinh doanh, sức khỏe của các ngân hàng để đưa ra biện pháp quản lý hiệu quả.
Nhận xét
Đăng nhận xét